Cùng với việc nâng công suất xử lý rác thải sinh hoạt lên 2.520 tấn/ngày, Công ty CP – Tổng công ty Nước – Môi trường Bình Dương (BIWASE, mã cổ phiếu BWE) đã sẵn sàng cho lễ khánh thành tổ hợp lò đốt rác thải sinh hoạt thu hồi nhiệt phát điện công suất 5MW vào ngày mai 12/01/2024.
Ngày mai 12/1/2024, sẽ diễn ra lễ khánh thành tổ hợp lò đốt rác thải sinh hoạt thu hồi nhiệt phát điện công suất 5MW.
Xử lý tuần hoàn toàn bộ rác thải sinh hoạt
Theo ước tính, mỗi ngày lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Bình Dương tương đương 2.350 tấn, được thu gom, đưa về xử lý tập trung tại Chi nhánh xử lý chất thải Bình Dương (phường Chánh Phú Hoà, Thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Còn có tên gọi khác Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Bình Dương).
Ông Ngô Chí Thắng, Giám đốc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Bình Dương thuộc Tổng công ty BIWASE cho biết: “Thời gian vận hành thử nghiệm tổ hợp lò đốt rác thải sinh hoạt thu hồi nhiệt phát điện công suất 5MW đã ổn định, đạt yêu cầu kỹ thuật. Chúng tôi đang hoàn thiện các hạng mục cuối cùng gồm trang trí, gắn biển sẵn sàng cho kế hoạch tổ chức lễ khánh thành ngày 12/01/2024”.
Theo quy trình, xe chở rác thải sinh hoạt từ các huyện, thị, thành phố trong tỉnh Bình Dương sau khi qua trạm cân tự động sẽ vào đổ rác tại 1 trong 4 hố tiếp nhận. Đây cũng là đầu vào của 4 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ (Compos) Con Voi Bình Dương. Tổng công suất 4 nhà máy là 2.520 tấn/ngày).
Tại mỗi hố tiếp nhận, rác thải theo băng chuyền tự bóc tách chất hữu cơ (chiếm từ 50% đến 80%) rồi đi vào các bể ủ để sản xuất phân bón theo quy trình lên men sinh học. Thành phần còn lại tiếp tục được tách lọc, phân loại để thu hồi nguyên liệu tái chế: kim loại, cát, đá, sỏi, thuỷ tinh. Trước khi đi vào lò đốt, rác thải được sấy khô nhằm bảo đảm cháy hoàn toàn. Tro xỉ sau khi đốt được thu hồi làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, gạch trang trí nhãn hiệu Con Voi – BIWASE.
Hiện tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Bình Dương đang phát điện trực tiếp từ hai tổ máy. Tổ máy 1 tận dụng nguồn khí metan tại khu chôn lấp tạm thời diện tích 5ha đã dừng tiếp nhận rác thải từ tháng 8/2023 và tổ máy phát điện từ nguồn nhiệt lò đốt, công suất đốt 200 tấn/ngày. Cả hai tổ máy trên đạt công suất 5MW, đáp ứng 80% nhu cầu sử dụng điện cho hoạt động sản xuất kinh doanh tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Bình Dương. Giai đoạn đầu do chưa đấu nối vào lưới điện nên lượng điện thừa được phát tự tiêu.
Bằng trái tim yêu nghề và khối óc khoa học, BIWASE đã biến rác thải sinh hoạt thành nhiều sản phẩm có giá trị phục vụ cuộc sống như điện, phân bón, vật liệu xây dựng theo hướng tuần hoàn, thân thiện môi trường.
Nhà máy do BIWASE tự thiết kế, lắp đặt
Th.s Ngô Chí Thắng, Giám đốc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Bình Dương cho biết, BIWASE đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trong quá trình xử lý chất thải nên trước khi bắt tay vào thiết kế, xây dựng nhà máy chúng tôi đã tham vấn ý kiến nhiều chuyên gia nước ngoài. Qua đó lựa chọn giải pháp tối ưu, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương và đội ngũ chuyên gia, kỹ sư BIWASE bắt tay vào tự thiết kế, tự thi công lắp đặt. Riêng máy móc, thiết bị như động cơ turbine được nhập khẩu từ hãng SIEMENS.
Vốn đầu tư cho dự án là 835 tỷ đồng (tương đương hơn 34,4 triệu USD), trong đó giá trị đơn nguyên làm phân hữu cơ là 364 tỷ đồng (gần 15 triệu USD), giá trị lò đốt có kết hợp phát điện trị giá 471 tỷ đồng (hơn 19,4 triệu USD). Dự án sử dụng từ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) 20 triệu USD, tương đương 480 tỷ đồng.
Ông Thắng cho biết thêm, việc nâng công suất nhà máy xử lý rác thải, trong đó có nhà máy sản xuất phân bón chính là phương án dự phòng trong vài năm tiếp theo nhằm bảo đảm khả năng tiếp nhận, xử lý rác thải trên địa bàn toàn tỉnh. Do đã làm chủ quy trình công nghệ nên nhiều công đoạn, nhiều chi tiết được sản xuất ngay tại Xí nghiệp Cơ khí BIWASE với chi phí, giá thành và chất lượng tốt hơn cả thiết bị nhập khẩu. Đây là vấn đề then chốt khiến cho nhiều lò đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại nhiều địa phương phải “trùm mền” sau thời gian ngắn hoạt động vì sức ăn mòn của nước rỉ rác. Do đó, nhiệt độ làm cho các thiết bị rệu rã sau chừng 2 năm hoạt động.
Sự kiện khánh thành nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện 5MW do chính các chuyên gia, kỹ sư BIWASE nghiên cứu, thiết kế, lắp đặt vận hành theo quy trình tuần hoàn, đã biến toàn bộ rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn tỉnh Bình Dương thành nhiều sản phẩm khoa học, hữu ích gồm năng lượng tái tạo (điện), phân bón hữu cơ, vật liệu xây dựng.
BIWASE đã làm nên kỳ tích về tự làm nhà máy đốt rác thải phát điện, là tấm gương sáng về chuyển đổi Xanh và Kinh tế tuần hoàn, bền vững.
Nguồn: Tapchinuoc.vn